Kinh Tế Xanh Và Kinh Tế Số Là Đích Đến Của Tương Lai

Tuesday, 22/02/2022, 08:36

VOV.VN - Để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới, cần thúc đẩy mô hình kinh tế xanh, bền vững và kinh tế số.

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả, tạo ra nhiều thách thức nhưng đi kèm với đó là cơ hội mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang nắm bắt. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới, cần thúc đẩy mô hình kinh tế tương lai hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững và kinh tế số.

Trước tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng Ban phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu hướng chuyển đổi tất yếu. Tuy nhiên, trong quá trình số hóa và tự động hóa kinh doanh ở nước ta hiện vẫn còn chậm chạp trong chuyển đổi mô hình kinh doanh số, đặc biệt là chưa có nền tảng kĩ năng để thực hiện, thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, thiếu nền tảng công nghệ chuyển đổi số...

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp buộc phải chú ý đến hoạt động kinh doanh thông minh.

Ông Nguyễn Bình Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, DN buộc phải chú ý đến hoạt động kinh doanh thông minh và cần dựa trên các nền tảng thương mại điện tử và di động. Ở đó, DN phải triển khai được hệ thống quản trị quan hệ khách hàng, lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp, hay quản trị chuỗi cung ứng...

Cùng với đó, DN phải kinh doanh các sản phẩm có chất lượng có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, khai thác tốt các sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện nay các sàn thương mại điện tử Việt Nam là một trong những Top của sàn thương mại điện tử ở Đông Nam Á.

“Thương mại điện tử ở Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn. Các DN cần phối hợp nhiều công cụ kinh doanh số liên tục và đa dạng. Ngoài chuyển đổi số, các DN còn phải tiến hóa số. Hôm nay DN có website, nhưng ngày mai phải có ứng dụng di động, chuyển đổi số, phải bắt đầu từ người đứng đầu…”, ông Minh chỉ rõ.

Ngoài chuyển đổi số trong DN, theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, DN cần chú trọng đến phát triển kinh tế xanh trong giai đoạn tới. Đồng thời nêu rõ, phát triển xanh và bền vững là định hướng rõ ràng được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là phát triển nhanh và bền vững, trong đó, phát triển bền vững bao gồm phát triển đồng đều cả về kinh tế, xã hội và đảm bảo về môi trường.

“Các DN của Việt Nam muốn phát triển bền vững phải gắn với chủ trương phát triển xanh. Nếu các DN làm được điều này, việc tăng trưởng GDP 6,5%-7 %/năm có thể sẽ đạt được như kỳ vọng. Nhưng nếu chúng ta không phát triển xanh mà phát triển nhanh 8%-10 % GDP/năm rồi sau đó nảy sinh những vấn đề về môi trường, vấn đề về xã hội phải quay trở lại để sửa chữa sẽ là bài toán rất tổn phí không chỉ về công sức, thời gian mà còn làm ảnh hưởng rất lớn theo lộ trình Việt Nam đang hướng tới trong tương lai”, ông Huân lưu ý./.

Nguyễn Hằng/VOV

Nguồn: VOV.vn

  • Facebook
  • Zalo
  • Twitter

Other news